Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Thiết kế công trình công sự phòng không những năm tháng chiến tranh



Bài đầu tiên, Ban Biên tập xin gửi tới độc giả bài Hồi ký của nhóm kỹ sư, kiến trúc sư nguyên là cán bộ của VNCC thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước gồm: Kỹ sư Trương Nguyên Mân - nguyên Phó Viện trưởng; PGS, TS Lê Thanh Huấn - nguyên Xưởng phó xưởng Thiết kế 1; Kỹ sư Vũ Đức Lộc - nguyên Xưởng phó xưởng Thiết kế 4; Kỹ sư Phạm Gia Lộc - nguyên Giám đốc văn phòng Kết cấu 3; Kỹ sư Đặng Trần Chính - nguyên Giám đốc Văn phòng Kết cấu 1.
Khi biết chúng tôi liên hệ hẹn gặp để xin tư liệu về những công trình công sự phòng không do Viện thiết kế trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước để lưu lại trên cuốn kỷ yếu chào mừng VNCC tròn 60 tuổi, PGS.TS Lê Thanh Huấn - nguyên Xưởng phó Xưởng Thiết kế hồ hởi nhận lời ngay. Dù tuổi đã cao, nhưng bác rất nhiệt tình cung cấp những tư liệu quý và còn nói, cho bác thêm thời gian, bác sẽ tìm gặp lại những người bạn xưa cùng tham gia thiết kế những công trình công sự phòng không để xin thêm tư liệu. Trân trọng một người cán bộ lão thành khi xưa cần mẫn với công việc của Viện, ngày nay vẫn trọn một tình yêu với Tổng Công ty… …

Một buổi sáng! Bên ấm trà nóng, trên mặt bàn là những bản thiết kế công trình được vẽ bằng tay, năm cán bộ lão thành của Viện ngày ấy ngồi nhớ lại ký ức về những năm tháng không quên…

Từ đầu năm 1964, khi Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra Miền Bắc Việt Nam, nhân dân Miền Bắc đã vừa sản xuất vừa chiến đấu, quyết tâm đồng lòng cùng Miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước. Toàn Miền Bắc thực hiện quân sự hóa toàn dân, đào đắp công sự chiến đấu, xây dựng hầm hào phòng tránh bom, tiến hành triệt để sơ tán. Mỗi công nhân, nông dân, trí thức đều trở thành những chiến sỹ luôn sẵn sàng chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Miền Bắc XHCN, xây dựng hậu phương lớn của quân và dân Miền Nam. Thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Bộ Kiến trúc, Viện Thiết kế Kiến trúc thời ấy cũng như nhiều cơ quan, trường học khác đều phải sơ tán triệt để. Đại bộ phận cán bộ nhân viên của Viện đi sơ tán, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế các công trình dân dụng, nhà ở, khach sạn, bệnh viện, trụ sở cơ quan chuẩn bị cho công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Được sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Bộ Kiến trúc, một bộ phận nhỏ của Viện ở lại Hà Nội được giao nhiệm vụ đặc biệt: thiết kế các công trình phòng không  nhằm bảo đảm an toàn, cho mọi hoạt động liên tục của các cơ quan Đảng và Chính phủ trong điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ ngày càng ác liệt.
Vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Xây dựng, đặc biệt của cố Bộ trưởng Bùi Quang Tạo cùng với sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo Viện gồm KS Ngô Duy Cảo (Viện trưởng), KTS Võ Quang Ba (Viện phó), KTS Nguyễn Ngọc Chân (Viện phó), KTS Nguyễn Hoàng (Xưởng trưởng Xưởng Thiết kế 1), với tinh thần vượt mọi gian khó và trách nhiệm cao của số lượng hạn chế các kỹ sư, kiến trúc sư, kỹ thuật viên, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiết kế, quản lý kỹ thuật và theo dõi thi công một khối lượng lớn các loại công trình đặc biệt phức tạp khắp các tỉnh thành miền Bắc trong suốt
hai giai đoạn đánh phá ác liệt bằng không quân của giặc Mỹ suốt từ năm 1964 đến năm 1975. Đó là những hầm phòng không của các cơ quan Trung ương và Chính Phủ, các công trình bưu điện và truyền thanh, gia cố tường bao che chắn cho các công trình trọng điểm…
Những đóng góp có ý nghĩa chính trị, kinh tế và khoa học kỹ thuật Vào những năm đầu nhận nhiệm vụ mới, tuổi nghề của đa số kỹ sư trẻ chúng tôi không quá 5 năm. Kiến thức về hầm hố, bom đạn gần như bằng không. Nhận nhiệm vụ, chúng tôi lập tức cùng nhau vừa học vừa làm mới đáp ứng được tính cấp thiết của công việc. Học trong sách vở, học đồng nghiệp, học từ những kinh nghiệm của các đồng chí Cuba, những lời nhận xét, tư vấn của các chuyên gia Liên Xô, các đồng chí cộng sản Nhật Bản… Nhưng học được nhiều nhất là trong các cuộc khảo sát thực địa đầy nguy hiểm tại những bãi bom để tìm ra những thông số kỹ thuật về sự công phá thực của các loại bom được ném xuống trong đó có các công trình mới xây do chúng tôi thiết kế. Luôn cập nhật những thông tin về bom đạn của kẻ thù từ hai miền Nam - Bắc để có những điều chỉnh thích hợp trong tính toán thiết kế. Giảm chi phí xây dựng, đặc biệt là khối lượng vật liệu, để sử dụng hết khả năng chịu lực của vật liệu mà vẫn đảm bảo yêu cầu chịu lực của công trình theo quy định là bài toán luôn được đặt ra cho mỗi công trình, mỗi bản thiết kế. Nhiều sáng kiến cải tiến trong thiết kế xây dựng đã được đưa ra và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ những nghiên cứu tính toán chính xác, tìm ra những phương án tối ưu kích thước chiều dày lớp đệm cát, chiều cao tấm chắn bê tông cốt thép. Từ đó đưa ra một bảng tính sẵn để thiết kế hết sức thuận tiện nhanh chóng.
Mái vòm cong một chiều hay hai chiều, mái vòm trụ, tường cong trụ tròn hay hình ellip là những kết cấu không gian được sử dụng có hiệu quả trong các công trình ngầm bê tông cốt thép. Song quá trình tính toán phức tạp và không thể tính theo sơ đồ khung phẳng được, chúng tôi đã vận dụng nhiều phương pháp số khác nhau để giải các phương trình vi phân cho các kết cấu mặt cong theo sơ đồ không gian (phương pháp sai phân hữu hạn, phương pháp điểm), tính toán tiết diện bê tông cốt thép theo trạng thái cân bằng bằng giới hạn. Toàn bộ tính toán phức tạp đều chỉ tính tay với thước tính lô ga. Nhờ vậy đã giảm được khối lượng thép đến 70-80%, bê tông giảm tới 20-30 % so với cách tính phẳng. Đây là một trong những sáng kiến có ý nghĩa kinh tế kỹ thuật đáng kể. Các hầm ngầm thường có hai hộp thang lên xuống khá dài vì phải vượt qua tấm chắn nên việc chống nứt tại tiết diện sát thành hầm có yêu cầu cao. Kết cấu này được tính toán  như một dầm tiết diện hộp một đầu ngàm trên nền đàn hồi (thay cho bài toán tính như một dầm công son đơn giản), đồng thời đưa ra các biện pháp  thi công theo từng giai đoạn nên đã khống chế được hiện tượng nứt thấm nước vào hầm. Trường hợp phải xây tường chắn  xung quanh các công trình trọng điểm với chiều dài và chiều cao lớn, trong điều kiện rất khó khăn, không thể dùng bê tông cốt thép thì việc dùng tường gạch hai lớp có hệ giằng bê tông cốt thép khép kín với lớp cát giảm năng lượng ở giữa đã được sử dụng có hiệu quả trước sức tấn công liên tục của bom đạn. Thực tế khi trúng bom hay đạn rocket, tường chỉ bị phá hoại cục bộ rồi được gia cố nhanh chóng. Kết cấu tường gạch hai lớp còn được sử dụng làm tường chắn các tổ máy phát điện các nhà máy điện, thuận tiện cho việc sử dụng vật liệu địa phương ít tốn kém, dễ thi công. Như ở nhà máy điên Yên Phụ Hà Nội, khi bị đánh phá liên tục, không cung cấp kịp gạch xây để sửa chữa còn phải dùng đến cả phương án tường nhiều lớp bằng tre! Gia cố và nâng cao Cột cờ Vĩnh Linh lên 30m (1968) để treo lá cờ đỏ sao vàng kích thước 9x15m đảm bảo độ ổn định trước gió bão và bom đạn. Thay các khối neo bê tông đúc sẵn tại Ninh Bình bằng móng khối neo. Xi măng cát đổ tại chỗ, vừa giảm công vận chuyển các sản phẩm đúc sẵn vừa sử dụng cát tại hiện trường xây dựng 5 cột cờ phía nam sông Bến Hải. Đồng thời thay các trụ ngàm bằng khớp quay với dây căng hai lớp đảm bảo an toàn và dễ sửa chữa, bảo quản…
Và còn nhiều sáng kiến cải tiến nữa của anh chị em trong các nhóm thiết kế mà chúng tôi không thể nhớ hết được. Tất cả đều nhằm mục đích duy nhất: giảm thiểu hao tốn vật liệu đến mức có thể, đảm bảo công trình có độ an toàn đúng yêu cầu sử dụng, tạo thuận lợi cho thi công công trình, sớm đưa vào sử dụng.
Những kỷ niệm không thể quên Kể từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ đặc biệt đến nay, thấm thoắt  đã  50 năm, nửa thế kỷ của một đời người. Nay hầu hết đã ở vào lứa tuổi “cổ lai hy, xưa nay hiếm!”, nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày gian khó ấy, làm việc âm thầm, thiếu thốn đủ thứ, cả hiểm nguy luôn dình dập ấy ai cũng thấy mình như trẻ lại như còn đang độ tuổi 20, 30. Quên sao được những đêm thức trắng bên bản vẽ bằng bút chì, bằng cái thước loga dưới ngọn đèn dầu nơi sơ tán. Quên sao được những chuyến đi khảo sát trong đêm, trên quãng đường hàng trăm cây số, mấp mô ổ gà ổ vịt bằng xe đạp hoặc trên những chiếc ô tô Bắc Kinh cũ kỹ hay xe Rumani vừa đi vừa đẩy của Viện. Quên sao được có lần vừa đến địa điểm sơ tán của Đài Phát thanh Sơn La thì thằng “cánh cụp cánh xòe”(máy bay hiện đại và mới nhất của Mỹ lúc đó F-111 có thể bay rất thấp vừa do thám vừa bắn phá...) ném trúng bồn xăng gần nhà đón tiếp phải chạy ngay vào hang núi trong đêm. Có lần người và xe vừa ra đến giữa sông Lô thì trên bến phà Đoan Hùng bị ném bom. Quên sao được những ngày trực thi công khẩn trương liên tục công trình Hầm chuyên gia dưới bầu trời khói lửa, bom đạn rung chuyển cả Hà Nội suốt 12 ngày đêm năm 1972. Và chỉ sau cái đêm phố Khâm Thiên bị san phẳng, chúng tôi mới có lệnh tạm  dừng thi công và được đi sơ tán!.. Để có thêm tư liệu cho bài viết này, vừa qua chúng tôi đã đến gặp Kỹ sư Ngô Thanh Cẩn, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật của Viện trong nhiều năm, lại là người nhiều tuổi nhất trong chúng tôi. Ông từng tham gia tư vấn thiết kế ngay từ những ngày đầu, hy vọng có được những thông tin quý giá. Nhưng tiếc thay chúng tôi đến đã quá muộn. Ông đã vào tuổi 90, lại vừa qua lần đột quỵ, sức khỏe yếu, không còn nhận ra bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả con cháu. Chỉ còn lại trên khuôn măt ông nụ cười hiền hậu thân thuộc của người kỹ sư cần mẫn năm xưa. Nhưng còn chút may mắn khi được gia đình đưa cho chúng tôi tập nhật ký chép tay  gần trăm trang, chữ nhỏ bằng con kiến. Ông không viết chi tiết về các công trình mà chỉ như một nhà văn không chuyên viết về những cảm nghĩ, sự rung động tâm hồn trước cảnh núi non, đèo dốc đi qua trong những chuyến đi khảo sát và xây dựng công trình phòng không. Đọc cuốn nhật ký ấy chúng ta mới cảm nhận được ý chí và nghị lực của những cán bộ của Viện năm xưa. Trước những chặng đường đồi dốc treo leo, đối mặt với mưa bom bão đạn của kẻ thù, cái sống cái chết chỉ trong gang tấc, họ vẫn giữ một tâm hồn lãng mạn, lạc quan và đó là điểm tựa, là hành trang trên con đường đi làm nhiệm vụ. Xin được phép trích dẫn một vài ghi chép của ông: “Sáng 16/12/1966, rời khỏi Thủ đô Hà Nội trời rét tê tái nhằm thẳng phía rừng xanh, 120 km đường dài, hai bánh xe lăn, lên dốc rồi lên dốc nữa. Lên dốc thì nhiều mà xuống dốc chẳng được bao nhiêu!... Bên phải là chợ Bờ, bên này là Vũ Bản Kim Bôi. Dốc Cun là đây. Đẩy xe hai cánh tay đã mỏi rời, hai cổ chân cứng như gỗ. Sáu cây số lên dốc mới được nửa lưng đèo. Ngồi nghỉ mà ngắm cảnh núi rừng, nhớ thơ Tản Đà: “Mạch nước sông Đà tim róc rách / Ngàn năm non Tản mắt lơ mơ” ... Gần đến đỉnh dốc, ông bạn trỏ tay sang phải: “Mả thằng Mỹ đấy. Thằng phi công Mỹ nhảy dù chết dập đầu, chôn  ở đấy”. Mình đi chậm, nhìn vào nấm mồ cách đường 15m, một ụ đất lù lù, bên cạnh có một khúc gỗ mục nằm yên mặc cho cỏ dại leo trèo… Giôn-sơn đã phải trả một phần nợ máu ở đỉnh dốc Cun anh hùng này rồi…  Đến nơi rồi. Kim Bôi là đây, nơi rừng thiêng nước độc. Thương nhau cho thịt cho xôi Ghét nhau thì đến Kim Bôi Hạ Bì .” Và trong chuyến đi dài ngày 1738 cây số vào Vĩnh Linh chữa cột cờ, khi đứng bên này bờ sông Bến Hải , nhìn về quê mẹ, anh Cẩn nhớ lại câu thơ: “Mây ơi đừng che bao ngọn núi Để ta nhìn thấy đỉnh quê hương.” Và đây nữa , nhật ký về những chặng đường ông đã qua, xin được trích dẫn thêm từ cuốn nhật ký:
“ Những chặng đường đi xây dựng công trình phòng không chống Mỹ   Năm 1967 : Xe đạp: 2592 km, Ô tô: 2388km, Đi bộ: 40km Tổng cộng :5128  km Năm 1968: Xe đạp: 1667km , ô tô:  4928km Tổng cộng: 6595 km …”
Thật khâm phục tính tỷ mỷ và độ chính xác của người kỹ sư kết cấu cần mẫn, tài năng, có nhiều kinh nghiệm thực tế và lại có tâm hồn thơ ca. Cảm ơn anh dù đã muộn! Những con số khô khan, những trang nhật kí viết vội  một thời bom đạn của anh đã nói hộ chúng tôi tất cả. Lúc tiễn tôi từng bước xuống cầu thang gỗ thiếu ánh sáng tại số nhà 316 Bà Triệu Hà Nội, anh nắm chặt tay tôi chỉ cười, vẫn nụ cười hiền hậu, không nói được câu nào! Tôi bùi ngùi chia tay anh và thầm nghĩ, mọi thứ rồi cũng trả lại cho trời và đất, có lẽ chỉ có ánh mắt và nụ cười của mỗi người mới còn đọng lại trên đời.   
60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển Từ một Viện nghiên cứu và thiết kế các công trình dân dụng hàng đầu của Ngành Xây dựng nay trở thành một Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng có thương hiệu uy tín không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài. Đội ngũ Tiến sỹ, Thạc sỹ, Kỹ sư, Kiến trúc sư đã tăng gấp bội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đang vững bước đi lên. Đó là niềm tự hào của mỗi chúng ta, mà quá khứ là nền tảng của tương lai, phát triển và thành công! Chúng tôi, những lớp người có ít nhất 30 năm liên tục từng gắn bó với Viện, với thương hiệu VNCC cũng rất tự hào mình đã có những  đóng góp sức lực, trí tuệ tuy rất khiêm tốn để làm nên sức mạnh uy tín và truyền thống vẻ vang của Viện ngày ấy và Tổng Công ty bây giờ. Thay mặt những đồng nghiệp còn hay đã mất, chúng tôi luôn tin tưởng và hy vọng những thế hệ kiến trúc sư, kỹ sư tiếp nối sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, ngày càng làm rạng danh, uy tín của VNCC, góp phần đưa đất nước ta ngày một hùng cường và giàu đẹp hơn.


Nhãn: